Phân tích Yêu sách Tứ Sa

Hai chuyên gia luật pháp quốc tế Julian Ku và Christopher Mirasola cho biết, mặc dù chiến thuật mới yếu về mặt pháp lý (thậm chí yếu hơn cả “đường đứt đoạn”), nhưng vẫn đem lại cho Trung Quốc một số lợi ích nhất định.

  • Thứ nhất, việc đưa ra yêu sách “đường đứt đoạn” trước đây đã khiến Trung Quốc trở thành tâm điểm của nhiều chỉ trích, trong khi yêu sách chủ quyền đối với “Tứ Sa” có thể vấp phải ít chỉ trích hơn.
  • Thứ hai, Trung Quốc có thể làm giảm thiểu sự phản đối của cộng đồng quốc tế và giành được sự ủng hộ của các đối tác tiềm năng trong khu vực (như Philippines) nhờ việc tuyên bố yêu sách với câu chữ gần với quy định của UNCLOS hơn.
  • Thứ ba, với vai trò là một cường quốc đang nổi lên, Trung Quốc rất muốn tham gia vào việc định hình luật chơi, cụ thể là tìm cách giải thích lại các quy định của UNCLOS và các quy định hiện hành của luật pháp quốc tế theo hướng phù hợp với lợi ích quốc gia của mình. Trung Quốc có thể dựa vào đội ngũ luật sư và học giả luật pháp quốc tế để tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế – đây chính là chiến lược chiến tranh pháp lý, kết hợp với chiến tranh truyền thông và chiến tranh tâm lý, mà Trung Quốc đang muốn triển khai để củng cố yêu sách trên Biển Đông.[3]